logo
ChatGPT: Bước đột phá hay là mối nguy hại?

ChatGPT: Bước đột phá hay là mối nguy hại?

Thời gian gần đây, giới yêu công nghệ khắp nơi bàn tán về một sản phẩm công nghệ AI có tên là ChatGPT. Nó nổi lên như một "hiện tượng" khi có thể viết luận, làm thơ, tạo ra các cuộc trò chuyện một cách tự nhiên, thậm chí có thể thay lập trình viên viết code. Dù được coi như một bước tiến lớn của trí tuệ nhân tạo (AI), nhưng "siêu AI" này vẫn khiến nhiều người quan ngại về những tác động tiêu cực của nó tới các hoạt động của con người. Cùng Đăng Vũ tìm ra những mặt tối của ChatGPT nhé!

 

Tin tức liên quan: 

- Wifi 6E là gì? Tại sao nên sử dụng mạng Wifi 6E

- Cách kiểm tra dung lượng Onedrive trên điện thoại và máy tính

- Nâng cấp lên Google One 100GB giá siêu hời chỉ 7000đ/tháng

 

Cần biết ChatGPT là gì?

ChatGPT, viết tắt của Chat Generative Pre-training Transformer, là một chatbot được phát triển dựa trên GPT-3.5, một dòng mô hình ngôn ngữ lớn thuộc sở hữu của công ty công nghệ khởi nghiệp OpenAI, có trụ sở tại San Francisco, Hoa Kỳ.

ChatGPT thuộc sở hữu của công ty khởi nghiệp OpenAI có trụ sở tại San Francisco, Hoa Kỳ

Về bản chất, ChatGPT là một mô hình học ngôn ngữ, được thiết kế để bắt chước cuộc trò chuyện của con người, thông qua việc ghi nhớ kiến thức, sửa chữa những lỗi sai trong quá trình giao tiếp. Mô hình này được đào tạo thông qua cơ sở dữ liệu lên tới 570GB, được thu thập từ các tài liệu điện tử từ cơ bản đến chuyên sâu như sách, báo, tạp chí, v.v. Khoảng 300 tỉ từ đã được đưa vào hệ thống.

ChatGPT thực sự khuấy đảo giới công nghệ nói chung và trí tuệ nhân tạo nói riêng?

Được ra mắt lần đầu vào tháng 11 năm 2022, ChatGPT nhanh chóng thu hút được sự chú ý từ công chúng nhờ những phản hồi chi tiết đến bất ngờ và thành thục trên nhiều lĩnh vực.

Có thể thấy điểm nổi bật của mô hình ngôn ngữ trí tuệ nhân tạo này chính là việc phân tích được các câu hỏi từ cơ bản đến phức tạp, tiếp tục học trong khi dự đoán từ tiếp theo sẽ là gì và thu thập tất cả các kiến thức trên nhiều lĩnh vực như làm thơ, viết luận, thậm chí là viết code với tốc độ và độ chính xác cao hơn nhiều so với con người. Hay nói cách khác, ChatGPT có khả năng thực hiện được bất cứ nhiệm vụ nào dựa trên mệnh lệnh bằng văn bản được giao.

Người dùng phấn khích về sự

Nhiều người dùng đã thực sự trầm trồ trước khả năng vô cùng "siêu phàm" của con chatbot này nhờ khả năng trò chuyện một cách "tự nhiên" như con người. Thâm chí tỷ phú người Ấn Độ Gautam Adani cũng không nằm ngoài "cuộc chơi" khi thừa nhận rằng ông bị "nghiện" ChatGPT từ khi sử dụng nó trong một bài đăng trên LinkedIn gần đây.

Bên cạnh đó, ChatGPT cũng để lại nhiều ấn tượng khi chinh phục được nhiều cuộc kiểm tra quan trọng trên thế giới. Trong một khóa học về quản lý và điều hành của Đại học Pennsylvania, Hoa Kỳ do Giáo sư Christian Terwiesch giảng dạy, Chatbot đã xuất sắc vượt qua các bài thi với số điểm khá ấn tượng từ B- đến A+. Ngoài ra, nó cũng được yêu cầu thực hành soạn câu hỏi cho đề thi. Tuy nhiên, "siêu AI" lại được đánh giá ở mức ổn, chứ không thực sự hay. Vị giáo sư cho biết trong tương lai có thể ông sẽ tìm đến GPT để soạn thảo một số câu hỏi sẽ đưa ra trong đề thi. Bên cạnh đó, vẫn sẽ phát triển thêm ý và trau chuốt lại câu.

ChatGPT vượt qua bài kiểm tra của Đại học Pennsylvania

Ngoài ra, ChatGPT cũng xuất sắc vượt qua Kỳ thi chứng chỉ hành nghề Y khoa tại Hoa Kỳ (USMLE). Nó được nhận xét có khả năng vượt qua được bài thi mà không cần trải qua bất cứ khóa học hay hình thức hỗ trợ đặc biệt nào. Theo MedRxiv, kho lữu trữ dữ liệu y tế trực tuyến, Chatbot này có thể hỗ trợ các bác sỹ đưa ra được các quyết định lâm sàng.

Mối nguy hại mang tới nhiều hoang mang

Tuy có những bước tiến xuất sắc, nhưng ChatGPT cũng để lại nhiều lo lắng. Theo tỷ phú Gautam Adani, Chatbot này vẫn tồn tại những mối nguy hại giống như các con chip bán dẫn.

ChatGPT khiến nhiều người lo lắng bị "mất việc"

Từ khi ChatGPT được ra mắt, rất nhiều bài đăng trên các diễn đàn bàn về những công việc có thể bị Chatbot này thay thế khiến nhiều người hoang mang cực độ. Người lao động lo sợ mình sẽ bị đào thải khỏi các công việc vốn dĩ cần trí óc của con người như lập trình máy tính, viết kịch hay thậm chí là làm luật. Nỗi lo sợ các công việc sẽ không còn cần tới bàn tay của con người không phải là không có căn cứ. Bằng chứng cho thấy, sự sụt giảm đáng kể từ 50-70% thu nhập ở nhóm lao động phổ thông kể từ năm 1980 là do tự động hóa - theo báo cáo của Cục Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia Mỹ (NBER).

Nhiều người lo lắng sợ

Bên cạnh đó, báo cáo của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) cũng chỉ ra chi phí của máy móc thông minh giảm theo thời gian trong khi khả năng của chúng thì ngày càng gia tăng. Do đó, AI có thể tạo ra bước vọt tăng trưởng lớn hơn cho nền kinh tế toàn cầu.

Sự không chính xác và mơ hồ

Việc quá tin tưởng vào những phản hồi của Chatbot có thể khiến cho việc lan truyền thông tin giả mạo ngày càng nghiêm trọng hơn. Đôi khi nó có xu hướng tạo ra các văn bản nghe có vẻ hợp lý, thuyết phục nhưng có thể không chính xác hoặc hoàn toàn vô nghĩa nếu xem xét kỹ.

Một sự cố đã xảy ra đối với Stack Exchange, một trang web nơi người dùng có thể đăng câu hỏi và nhận câu trả lời, khi sử dụng ChatGPT để giải đáp các câu hỏi, thắc mắc của người dùng đã cho ra một số lượng lớn lời giải thích bị sai. Do vậy, ChatGPT đã bị cấm khỏi trang web.

ChatGPT đưa ra nhận định sai về tác phẩm văn học

Hơn nữa, khi nói đến việc tìm kiếm thông tin phục vụ học tập hay nghiên cứu, nó không cung cấp tài liệu tham khảo hay trích dẫn đầy đủ, cụ thể. Do đó, việc sử dụng Chatbot này vào mục đích nghiên cứu là hoàn toàn không lý tưởng.

Mối nguy giáo dục

Tại Mỹ, ChatGPT cũng được thử nghiệm làm bài tập và cho ra kết quả tốt hơn cả so với học sinh làm, đặc biệt, nó có thể thực hiện một cách dễ dàng và ít sai sót. Đây rõ ràng là mối lo hiện hữu khi ChatGPT có thể giải đáp được gần như bất kỳ câu hỏi nào.  Điều này vô tình tạo cơ hội cho sự gian lận, và thụt lùi tư duy.

Nhiều bạn trẻ phấn khích vì ChatGPT viết được bài IELTS Writing

Khả năng làm luận văn vô cùng "mượt" của "siêu AI" này khiến nhiều người học bất ngờ và phấn khích. Tuy nhiên, nó cũng gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh về việc lạm dụng công nghệ thay cho tư duy trí tuệ của con người. Nguy hiểm hơn khi các kỳ thi dần được chuyển sang thi bằng máy tính có thể làm lan rộng hơn tình trạng khó tránh khỏi này.

Sự xuất hiện của các phần mềm lừa đảo

Theo các chuyên gia, ChatGPT có thể là nguồn cơn cho việc xuất hiện các phần mềm độc hại nhằm lừa đảo, xâm chiếm máy chủ của người dùng.

Mặc dù trong một bài nghiên cứu trên tạp chí Forbes, tác giả Bernard Marr cho rằng ChatGPT không được thiết kế để tạo ra mã độc vì OpenAI đã thiết lập các biện pháp bảo vệ chặt chẽ, nhưng ông cũng cảnh báo, các thuật toán NLG/NLP có thể bị khai thác để cho phép bất kỳ ai cũng có thể tạo phần mềm độc hại.

ChatGPT có thể bị lợi dụng nhằm mục đích lừa đảo

Thậm chí, CyberArk, nhà cung cấp hệ thống bảo mật, còn phát hiện ra rằng, ChatGPT có thể sao chép, thay đổi mã độc dựa trên phiên bản mã độc đó và được sử dụng để tạo ra chương trình phần mềm độc hại có khả năng lẩn tránh cao.

Cũng nhờ khả năng ngôn ngữ linh hoạt, ChatGPT có thể tạo ra email lừa đảo tinh vi, gài bẫy người dùng chia sẻ dữ liệu riêng tư hoặc mật khẩu của họ, đặc biệt là khả năng cá nhân hóa email tới nhiều nhóm đối tượng khác nhau.